Phan Ngọc Lợi | Facebook Ads | Google Adwords | SEO WebSite NGUYỄN TRỌNG KHOA TÔI KHÔNG PHẢI LÀ ÔNG TRÙM TÊN MIỀN ~ Học Google Adwords

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

NGUYỄN TRỌNG KHOA TÔI KHÔNG PHẢI LÀ ÔNG TRÙM TÊN MIỀN

NGUYỄN TRỌNG KHOA TÔI KHÔNG PHẢI LÀ ÔNG TRÙM TÊN MIỀN



Nguyễn Trọng Khoa


Nguyễn Trọng Khoa: Tôi không phải là ông trùm tên miền

Nguyễn Trọng Khoa

Ngành đầu tư tên miền (domain) tại Việt Nam đang nhận được rất nhiều quan tâm trong thời gian vừa qua. Vậy ngành này có gì hay? Đầu tư như thế nào? Làm sao để thành công trong đầu tư domain? … Gặp anh Nguyễn Trọng  Khoa những ngày đầu năm 2014 để có những cái nhìn thực sự từ người trong cuộc. TheBusiness.vn rất cám ơn anh đã đồng ý chia sẻ khá nhiều thông tin về ngành đầu tư domain tại Việt Nam 



Chào anh, câu hỏi đầu tiên TheBusiness.vn muốn hỏi  anh là có rất nhiều ngành nghề khác trong lĩnh vực CNTT như phần mềm, thương mại điện tử, design…. Tại sao anh không chọn những ngành đó mà lại chọn đầu tư domain?



Đây là một cơ duyên, tôi rất thích Internet, lại không giỏi về kĩ thuật, tôi lại chuyên về marketing, truyền thông… Do đó, tôi hiểu rõ sức mạnh của internet và phát hiện rất nhiều cơ hội trên đây. Mà trên internet thì cái tên là cực kì quan trọng để có thể kiếm được rất nhiều tiền cũng như mất rất nhiều tiền từ nó. Tôi phát hiện ra một biển trời cơ hội với vô số các thương hiệu & doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ về cái tên ấy và có vô số lỗ hổng trong việc đi đăng kí domain cho doanh nghiệp mình. Do đó, tôi bắt đầu bỏ tiền cá nhân ra để đầu tư và đam mê theo đuổi nó đến giờ. Tính ra thì cũng đã 03 năm.


Ngoài ra, tôi thấy được rằng domain là một dạng tài nguyên trên internet, và nó cũng là dạng tài nguyên có giới hạn. Nó sẽ vô cùng có giá trị với những người sở hữu hiểu rõ tầm quan trọng của nó.


Cuối cùng là vì tôi bị thúc đẩy bởi việc cần hành động để bảo vệ những domain liên quan đến quốc gia, doanh nghiệp. Tôi muốn vừa kinh doanh và vừa cho tặng những domain giá trị mình sở hữu.




Đánh giá của anh về ngành đầu tư domain tại Việt Nam như thế nào?



Đây là một ngành kinh doanh rất trẻ tại Việt Nam, tiềm năng  & cơ hội đầu tư còn rất lớn. Mặc dù tôi là một trong số những cá nhân đi đầu tư từ khá lâu trong ngành này nhưng xét về độ trưởng thành và phát triển của ngành này thì thật là trẻ.


Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn bởi những thông tin trên báo chí rằng tôi là ông trùm ngành này. Tôi không phải là ông trùm gì cả. Tôi chỉ là một cá nhân dường như là khá nỗi bật mà thôi. Có những người đi trước tôi rất lâu, cũng có những công ty chuyên đầu tư tên miền luôn. Họ mới là những thành phần sở hữu số lượng domain rất khủng với tiềm lực tài chính hỗ trợ là rất lớn. Đa phần là hoạt động theo dạng ẩn danh, chỉ những người trong ngành thì mới biết được.


Một phần vì tôi xuất phát điểm vẫn còn trễ so với họ, phần vì tiềm lực tài chính không đủ mạnh như họ, do đó, tôi chọn riêng cho mình là chuyên đầu tư cho domain Thương Hiệu (Domain Names) mà thôi.



Nhưng công chúng thường hay thấy anh hay cho tặng những domain liên quan đến các địa danh du lịch, danh lam thắng cảnh của đất nước, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa… ?



Đối với những domain địa danh du lịch trên, đa phần tôi mua xong là để tặng cho ngành du lịch Việt Nam. Tôi muốn tặng cho từng tỉnh thành trong đất nước những domain liên quan đến ngành du lịch địa phương.


Còn về domain Hoàng Sa & Trường Sa, tôi mua xong và tặng vì tự ý thức trách nhiệm  công dân của một nhà đầu tư tên miền Việt Nam. Tôi nghĩ đến viễn cảnh những cá nhân hay tổ chức nước ngoài có thể gây nguy hại gì cho Hoàng Sa và Trường Sa nếu họ sở hữu những domain đó. Không nói đâu xa, cứ giả sử Trung Quốc sở hữu những domain đó, xây dựng lên website và tuyên truyền không đúng về chủ quyền với 02 quần đảo đó thì hậu quả tệ đến mức nào? Lúc đó, có tiền tỷ cũng chưa chắc cứu được tình hình. Vì luật sở hữu domain phải theo luật quốc tế. Domain .vn chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng domain quốc tế mà thôi.



Theo anh thì có khoảng bao nhiêu nhà đầu tư domain (dạng cá nhân/ tổ chức) đang hoạt động tại Việt Nam?



Theo hiểu biết của tôi thì khoảng 500-600 cá nhân/ tổ chức.



Kinh doanh domain có cần phải có nhiều tiền không thưa anh?



Trước tiên thì ngành đầu tư này cần khá nhiều tiền. Tùy thuộc vào việc bạn cân đối dòng tiền của mình và hoạch định mình muốn sở hữu bao nhiêu domain. Thứ hai là bạn cũng phải hoạch định nguồn thu nhập của mình để có thể tồn tại và chờ đợi thành công đến gõ cửa.


Lý do cần nhiều tiền là vì thế giới đam mê này rất là ghê gớm. Một khi bạn thấy cơ hội đầu tư thì bạn sẽ không bao giờ muốn cơ hội trôi qua. Và như thế thì tiền sẽ ra hết khỏi ví bạn lúc nào không hay. Cứ mỗi khi bạn nhận được thông báo gia hạn domain là bạn muốn bạc đầu rồi. Bạn sẽ gặp stress cực kì nặng nề và ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân rất nhiều. Đây là một môn rất cô đơn, rất cô độc. Nhiều khi bạn phải đi ngược dòng thị trường và hứng chịu việc mọi người nhìn nhận bản thân mình một cách khắc nghiệt.

Tuy nhiên, đến lúc thị trường biến chuyển tốt, những người nắm giữ và đi đầu ngành này sẽ nắm giữ những cơ hội & quyền lực rất lớn.



Thành công nào là lớn nhất trong các giao dịch của anh suốt 03 năm qua? Anh có thể cho ví dụ cụ thể được không?



Đó là tôi đã cho tặng rất nhiều domain có ý nghĩa liên quan đến du lịch Việt Nam, Hoàng Sa – Trường Sa, tôi coi đó là thành công lớn nhất. Có nhiều nhà đầu tư khác cũng đầu tư domain nhưng không làm những việc giống như tôi.


Ngoài ra, tôi còn có cơ hội kết bạn với khá nhiều giám đốc và ông chủ/ bà chủ của những tập đoàn lớn, những người giàu có tại Việt Nam liên quan đến những domain tôi sở hữu. Đa phần là tôi cho tặng những domain này để có những cơ hội làm việc khác. Nhiều khi cơ hội giá trị hơn nếu tôi bán những domain này.


Cuối cùng là việc mọi người nhìn nhận về cái tên Nguyễn Trọng Khoa trong việc họ gắn liền với ngành đầu tư domain tại Việt Nam. Đó là thành công về mặt thương hiệu và nhân hiệu.



Hình ảnh Nguyễn Trọng Khoa gặp Frank Schilling (Một nhà đầu tư tên miền quốc tế nỗi tiếng thế giới) tại Hội nghị NamesCon - Hoa Kì. Tại đây, anh đã tặng cho Frank bức tranh gạo hình bản đồ, cảnh vật, áo dài Việt Nam. Frank rất vui khi nhận được món quà đặc biệt này và mang về đặt trong văn phòng làm việc của anh ấy. Đây là cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người của Trọng Khoa.


Những hướng nào có thể phát triển trong ngành đầu tư domain thưa anh?



Nó tùy thuộc vào định hướng và chiến lược của mỗi nhà đầu tư domain. 


Có người chọn đầu tư theo từ khóa_họ là những nhà đầu khởi đầu từ rất sớm và đầu tư những từ khóa có thể khai thác thương mại. Đa phần họ đầu tư vào khoảng những năm 2006, khi domain .vn chính thức được phát hành một cách đồng loạt. Họ sở hữu nhiều domain có giá trị và tiềm lực tài chính là rất mạnh mẽ. Đa phần họ hoạt động ẩn danh

Có người lại chọn đầu tư domain thương hiệu, giống như tôi. Đầu tư domain thương hiệu thì bạn phải va chạm rất nhiều. Bạn thường xuyên dính đến pháp lý, luật sư và những thông tin không tốt vì bản thân thương hiệu và doanh nghiệp có những sức mạnh và thế lực riêng của họ. Luật sư của họ có thể kiện bạn ra tòa và cướp tất cả công sức của bạn nếu bạn không đủ bản lĩnh và hiểu biết tường tận về domain và pháp lý liên quan đến domain.


Có người lại chọn đầu tư domain, nhưng họ lại dùng domain, xây dựng lên website để kinh doanh và thu lợi nhuận từ chính hoạt động kinh doanh đó. Không nhất thiết là đầu tư domain là phải mua xong và chờ cơ hội bán lại domain. Thế giới internet chứa đựng rất nhiều cơ hội cho bạn để kiếm tiền. Vấn đề là bạn cần phải hiểu rõ luật chơi và có đam mê với nó. Với đam mê ấy, bạn có thể thất bại nhưng rồi bạn sẽ khám phá rất nhiều bài học và thành công từ những thất bại ấy.


Ngoài ra còn có nhiều hình thức đầu tư khác, ví dụ khi ta sở hữu domain có thể kinh doanh, ta có thể làm đại lý bán hàng cho những thương hiệu của ngành đó… 


Cuối cùng là có người chọn đầu tư domain theo kiểu chụp giật, họ mua domain và vì áp lực tài chính…họ làm đủ mọi chiêu trò để có thể bán domain bằng mọi giá.



Tôi luôn khuyên những bạn trẻ là nên đầu tư theo hướng hãy khai thác lợi thế kinh doanh từ chính domain bạn đang sở hữu vì nó rất tốt và rất tiềm năng. Trong những năm tới, tôi cũng sẽ tập trung một phần vào hướng đầu tư này.




Theo anh thì những thách thức nào sẽ ngăn cản sự phát triển của ngành đầu tư domain tại Việt Nam?



Đa phần thì mọi người đều có một nhận thức chưa thật sự đúng đắn và tốt đẹp về những người đầu tư domain. Đây là một thách thức cực lớn. Nhưng cũng phải thông cảm cho họ vì thị trường cho ngành này còn khá non trẻ. Phải có thời gian để mọi người nhìn nhận đúng về ngành và những cá nhân hoạt động trong ngành. Lúc đó, bạn sẽ không còn nghe những thông tin kiểu như “Anh A tống tiền công ty X vì domain abc.com….”


Một cản lực nữa là hệ thống pháp luật về domain và kinh doanh domain tại Việt Nam chưa hoàn thiện. Thực sự thì Nghị định 72/2013/NĐ-CP  đã có hiệu lực về việc cho phép mua bán tên miền nhưng tại Việt Nam thì phải chờ thêm thông tư hướng dẫn cụ thể để thực thi. Điều này làm cho những nhà đầu tư đa phần là hoạt động ẩn danh và Nhà nước thất thu về thuế rất nhiều. Nói chung là môi trường pháp lý còn nhiều vấn đề lắm.





Báo chí & Truyền thông nói về anh khá nhiều thông tin không tốt. Như  vụ domain legnedeecoffee.com liên quan đến thương hiệu café cao cấp của tập đoàn Trung Nguyên, vụ bộ 04 domain liên quan đến tập đoàn EuroWindow cụ thế là: eurowindowholding.com, eurowindowholding.net, eurowindowholding.vn, eurowindowholding.com.vn … Trước đây, anh cũng đã từng dính dáng tới những vụ lùm xùm khác như việc CEO Facebook đến Việt Nam  là để gặp anh… 


Vậy đối diện với nhiều thông tin không tốt về hoạt động kinh doanh như thế, công việc của anh có ảnh hưởng nhiều không? 

 

Toàn bộ những thông tin trên đa phần là báo chí & truyền thông cố tình làm lớn chuyện, giật tít, câu view … Tất nhiên tôi cũng có vài phát ngôn gây sốc và những hành động liên quan đến sự việc, nhưng không giống như báo chí đã viết. Nếu ai kinh doanh domain chuyên nghiệp sẽ hiểu những hành động của tôi. Các công ty & tập đoàn của Việt Nam chưa nhận thức rõ & đầy đủ về sức mạnh & giá trị của domain ảnh hướng đến thương hiệu công ty của họ như thế nào? Tôi chẳng qua chỉ là người phát hiện ra cơ hội và sở hữu cơ hội sở hữu những domain đó. Và tôi là một nhà đầu tư tên miền, nên tôi có quyền bán hàng hóa (là tên miền) do mình sở hữu. Tôi làm việc hoàn toàn đúng luật. Nếu tôi làm sai thì chắc bây giờ không còn ngồi đây để nói chuyện rồi (cười). 

Xét ở một khía cạnh nào đó, tôi đang làm những việc nhằm giúp những thương hiệu, công ty, tập đoàn nhận thấy lỗ hổng của mình để sữa chữa. Và tôi nắm giữ cơ hội để sữa chữa lổ hổng đó nên tôi đáng nhận được phần thưởng bằng việc ra những mức giá để họ có cơ hội lấy lại domain đó. Mọi người hay nhìn nhận tôi là đang tống tiền mà không thử đặt suy nghĩ nếu những domain đó rơi vào tay những nhà đầu tư tên miền quốc tế khác thì liệu rằng kết quả sẽ như thế nào. Domain bkav.com là một ví dụ điển hình cho chuyện này. 


Còn về góc độ ảnh hưởng đến công việc hay không thì tôi khẳng định là có ảnh hưởng, ảnh hưởng rất nhiều, nhưng đó là những ảnh hưởng rất tốt đến việc kinh doanh của tôi. Mọi người biết đến tôi nhiều hơn về việc kinh doanh domain. Tuy nhiên, về góc cạnh cuộc sống, tôi bị ảnh hưởng khá nặng nề, đặc biệt là về phía gia đình. Nhưng đó là cái giá cho sự đam mê nếu bạn kinh doanh ngành này. Ngành này rất “cô độc”

 

Xin cám ơn anh. Chúc anh năm mới nhiều sức khỏe và thành công !




Phan Ngọc Lợi chia sẻ Vĩnh Nghi/ TheBusiness.vn


0 nhận xét:

Đăng nhận xét